Văn hóa xếp hàng là một trong những thói quen tốt mà học sinh LCU đang được giáo dục và rèn luyện, được thể hiện ngay trong những hoạt động hàng ngày.
Một câu chuyện cảm động về văn hóa xếp hàng và đức hi sinh
Năm 2011, người Nhật Bản phải hứng chịu trận thảm họa kép động đất và sóng thần nhấn chìm hàng loạt khu dân cư dọc bờ biển phía đông bắc. Nhưng từ người già đến trẻ nhỏ vẫn bình tĩnh, xếp hàng ngăn ngắn chờ đợi cứu hộ, không chen lấn xô đẩy hay giành giật. Đặc biệt là câu chuyện dưới đây về cậu bé 9 tuổi giàu nghị lực, đức hi sinh, được lan truyền sang nhiều blog, mạng xã hội, diễn đàn và trên cả báo chí như một hình ảnh mẫu mực của nước Nhật trong khó khăn:
“Trong cái hàng rồng rắn tôi chú ý đến một đứa nhỏ trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học giờ thể dục ở trường thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài,tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để vào thùng thực phẩm rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng , mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ””.
Câu chuyện cũng đã trở thành một bài học về sự sẻ chia, văn hóa xếp hàng cần học hỏi. Đọc xong câu chuyện này chắc hẳn bạn cũng sẽ có môt cái nhìn khác về văn hóa ứng xử, văn hóa xếp hàng – một thói quen tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại phản ánh phần nào thái độ, cách suy nghĩ và nền giáo dục của từng người, từng quốc gia.
Tại Việt Nam, văn hóa xếp hàng đã bắt đầu hình thành những vẫn còn một số thói quen xấu khó bỏ như chen ngang, xô đẩy khi làm thủ tục tại các bệnh viện, nộp hồ sơ vào trường học cho con, săn khuyến mãi, giảm giá, hay cả việc đi ăn uống, chuyện tâm linh như đi chùa lễ Phật, cúng bái… khiến dư luận lên án.
“Đẩy mạnh giáo dục để hình thành thói quen tốt”
Để thay đổi hành vi, thói quen xấu đó, giáo dục là biện pháp quan trọng hàng đầu được nhiều người đề cập. Theo PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
“Để sửa thói quen xấu này không dễ và phải có thời gian. Theo tôi, một trong những giải pháp để xây dựng văn hóa xếp hàng, đồng thời từng bước loại bỏ thói quen xấu trên, là cần đẩy mạnh công tác giáo dục. Mỗi công dân từ khi là học sinh, nếu được dạy cách xếp hàng trật tự, không chen lấn thì khi lớn lên thói quen ấy sẽ được duy trì.”
Việc học rất quan trọng, học kiến thức đã khó, học làm người lại càng khó hơn. Trong môi trường LCU, ngoài theo sát chương trình học trên lớp, việc rèn luyện đạo đức, kỉ luật cũng được chú trọng không kém. Văn hóa xếp hàng là một trong những thói quen tốt mà học sinh LCU đang được giáo dục và rèn luyện, được thể hiện ngay trong những hoạt động hàng ngày: xếp hàng khi lấy thức ăn trong căng tin, đợi đến lượt mình khi đi vệ sinh nếu nhà vệ sinh đã kín chỗ; nộp bài kiểm tra, bài thi theo thứ tự khi được gọi tên, không chen ngang.
Không chỉ có thói quen xếp hàng, học sinh LCU còn đang thực hiện và rèn luyện những thói quen và lối sống văn minh khác: lễ phép với thầy cô, cư xử văn minh với bạn bè, lên kế hoạch, đặt mục tiêu học tập hiệu quả, quản lý thời gian…