Trường PTLC Lý Công Uẩn của chúng mình ở rất gần Đền Đô, Di tích lịch sử quốc gia thờ tám vị vua đời Lý.
Sáng nay trên đường đến lớp, chúng mình thấy những con phố rộn ràng cờ hoa, cùng đoàn rước dài tưng bừng trong tiếng nhạc và khách thập phương đến dự Lễ hội Đền Đô.
Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về Lễ hội này bạn nhé:
Lễ hội đền Đô được tổ chức trong các ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch hằng năm tại làng Ðình Bảng, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, âm vang tiếng gọi cội nguồn nhằm kỷ niệm ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, tạo dựng, phát triển quốc gia và nền văn hoá Đại Việt rực rỡ.
Chính hội Đền Đô hội là ngày 16/3 – ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi, có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng. Ðám rước với hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Ðài đến đền Ðô (khoảng 3 km).
Ði đầu đám rước gồm có một đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm chuỳ đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu Bát Ðế, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời.
Bên cạnh phần lễ, phần hội trong lễ hội Đền Đô gồm có các trò vui như chọi gà, thả chim bồ câu, thi đấu vật, hát Quan họ và nhiều trò vui khác.
Lễ hội Đền Đô là lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục được nhân dân Đình Bảng tự nguyện lưu giữ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với những giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, lễ hội Đền Đô như tiếng gọi cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau hãy biết trân trọng và gìn giữ tinh hoa cha ông bao đời xây đắp (theo: lehoi.cinet.vn)
Bạn có thêm thông tin, hình ảnh gì của Lễ hội Đền Đô, hãy cùng chia sẻ với chúng mình nhé, để tất cả cùng hiểu và yêu thêm quê hương, đất nước Việt Nam.
Tags: Di sản, Lễ hội Đền Đô, Văn hóa địa phương